top of page
Tìm kiếm

Chuyên gia y tế Little Saigon kêu gọi giúp người cao niên chăm sóc sức khỏe tâm thần

FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Một số chuyên gia y tế, tổ chức bất vụ lợi vừa tổ chức buổi họp báo vào sáng Thứ Năm, 26 Tháng Giêng, để giúp đỡ những người cao niên cần chăm sóc sức khỏe tâm thần, sau khi xảy ra hai vụ xả súng ở California khiến 18 người thiệt mạng.


Các chuyên gia y tế trong buổi họp báo kêu gọi bảo vệ người cao niên. (Hình: Văn Lan/Người Việt)


Theo đó, chỉ vài ngày trong tuần này, thời điểm Tết Nguyên Đán, hai vụ xả súng đau thương, một tại phòng nhảy Star Ballroom Dance Studio trên đường West Garvey Avenue, thành phố Monterey Park, ở miền Nam California hôm Thứ Bảy, 21 Tháng Bảy (30 Tết), khiến 11 người chết; và hai tại một trang trại trồng nấm gần thành phố Half Moon Bay ở miền Bắc California hôm Thứ Hai, 23 Tháng Giêng (Mùng Hai Tết), khiến bảy người chết, hầu hết các nạn nhân là người gốc Á. Đáng chú ý, hung thủ nổ súng đều là đàn ông Mỹ gốc Á cao niên.


Buổi họp báo tổ chức tại trụ sở Moving Forward Psychological Institute (MFPI), Fountain Valley, với sự tham dự của các chuyên gia y tế, gồm ông Paul Hoàng (MFPI), ông Derek Serrano (Hiệp Hội Alzheimer Orange County), cô Becky Nguyễn (Hội Ung Thư Việt Mỹ), cô Tammy Trần (Southern California Edison), ông Ted Bùi (Cơ Quan Giao Thông Orange County – OCTA), và giới truyền thông Việt, Mỹ.


Ông Paul Hoàng cho hay: “Lúc này chúng ta phải nên quan tâm cho nhau, cùng đồng hành và đoàn kết lại. Chúng ta đã trải qua bao nhiêu biến động đau khổ rồi. Cần phải đoàn kết chặt chẽ với nhau để xây dựng một cộng đồng lành mạnh hơn, an toàn và hạnh phúc hơn.”

Bà Deanna Đặng, một thiện nguyện viên của Hội Alzheimer Orange County, cho hay bà từng làm việc với Sở Xã Hội nhiều năm, nay đã về hưu, nên bà “có nhiều kinh nghiệm tiếp xúc với quý vị cao niên cũng như các gia đình có trẻ em nhỏ trong cộng đồng Việt Nam và cộng đồng người Mỹ. Tôi đến đây hôm nay để nghe về việc bắn chết người hàng loạt trong cộng đồng, đặc biệt hung thủ là người gốc Á, đó là vấn đề chúng ta cần quan tâm đến cộng đồng gốc Việt hiện nay, vì chuyện này có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong cộng đồng chúng ta.”


Từ trái, ông Ted Bùi (đại diện OCTA), cô Tammy Trần (đại diện SoCal Edison), và ông Paul Hoàng (đại diện MFPI) trong buổi họp báo kêu gọi bảo vệ người cao niên. (Hình: Văn Lan/Người Việt)


“Mặc dù lo sợ chuyện đó, nhưng không có nghĩa là chúng ta không hành động. Có nhiều hành động cụ thể như cần phải đoàn kết với nhau, cần phải để ý đến người thân, bạn bè quanh chúng ta. Vấn đề xảy ra chính là do sức khỏe tâm thần mà cộng đồng gốc Á ít ai để ý tới! Vì mình chỉ để ý tới sức khỏe thể xác, với đủ thứ bệnh tật, chứ không nghĩ đến bệnh tâm thần, ở đây không có nghĩa là bị điên theo cách nghĩ của người Việt, cho rằng không nên uống thuốc chữa bệnh vì sẽ bị điên thêm,” bà nói.


Bà nhấn mạnh: “Nên biết là sức khỏe tâm thần rất quan trọng, nó chính là cảm xúc của mình, phát sinh từ vui buồn giận ghét, nếu ở lâu trong người chúng ta mà không giải quyết một cách lành mạnh được, lâu ngày sẽ sinh ra những ý nghĩ tiêu cực, buồn chán, thất vọng không muốn giao tiếp với ai, ảnh hưởng tới cuộc sống lành mạnh. Từ đó đi đến hành động tiêu cực, sẽ dễ gây ra thảm họa.”


“Do đó nếu cảm thấy khi nào không còn cảm giác lành mạnh đó, là phải biết đang có vấn đề trở ngại về sức khỏe tâm thần, cần phải xin giúp đỡ ngay, bằng cách nhờ các cố vấn tâm lý giải quyết giùm, không nên để xảy ra lâu ngày,” bà Deanna Đặng khuyên.

Cô Tammy Trần cho biết mọi người trong cộng đồng đều có trách nhiệm phổ biến những thông tin và dịch vụ về vấn đề sức khỏe tâm thần. Chúng ta có thể làm việc với các vị dân cử, hoặc trong các tổ chức cộng đồng, hoặc trong các gia đình để giúp đỡ cho những người có vấn đề sức khỏe tâm thần.


“Điều tôi rất tiếc là trong những vụ nổ súng chết người hàng loạt vừa rồi, có thể ngăn ngừa được nếu mình biết để ý tới những người có những vấn đề cô đơn trong đời sống hoặc người đang sống một mình. Mọi người nên nghĩ đến và quan tâm gắn bó với những người khác, đó là những gì chúng ta có thể làm được, với khả năng thương yêu người khác trong gia đình hoặc trong sở làm, ngay cả trong hàng xóm láng giềng của mình,” cô nói thêm.



Cô Becky Nguyễn (giữa), giám đốc điều hành Hội Ung Thư Việt Mỹ, cùng cô Quyên Đỗ (trái) và cô Hương Đỗ, hai nhân viên phụ tá, trong buổi họp báo kêu gọi bảo vệ người cao niên. (Hình: Văn Lan/Người Việt)


Cô Becky Nguyễn cho biết: “Hội Ung Thư Việt Mỹ có những lớp liên kết với chương trình ‘Stop the Hate,’ mà mấy ngày qua chúng ta đã thấy xảy ra bắn giết, thấy rõ nhất là trong cộng đồng gốc Á.”


Cô Hương Đỗ và Quyên Đỗ, đều là nhân viên Hội Ung Thư Việt Mỹ, cho hay chương trình “Combat Hate with Hope” (Chống Lại Sự Thù Ghét Bằng Hy Vọng), là một chương trình do hội đã thực hiện trong nhiều tháng vừa qua.


“Qua chương trình này, Hội Ung Thư Việt Mỹ muốn chuyển tải những thông tin về những sự kiện gần đây có ảnh hưởng đến cộng đồng gốc Á, cho các học sinh sinh viên ở các trường trung học và đại học, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, có nhiều sự tác động đến cộng đồng Việt. Hội muốn thông qua chương trình này để gởi đến những thông tin cho cộng đồng biết thêm những cách thức để bảo vệ bản thân, phòng tránh những sự việc có thể xảy ra. Có thể liên lạc qua Hội Ung Thư Việt Mỹ qua số điện thoại (714) 751-5805 để biết thêm,” cô Hương Đỗ chia sẻ.


Theo ban tổ chức, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Orange County và Hoa Kỳ đã trải qua sự gia tăng đáng báo động về các vụ việc và bạo lực đối với người Mỹ gốc Á. Những người cao niên dễ bị tổn thương cũng cảm thấy bị cô lập, bởi vì sức khỏe tâm thần thường là một chủ đề cấm kỵ, đặc biệt là đối với người Mỹ gốc Á lớn tuổi.

Các chuyên gia đồng ý rằng nhận thức rõ hơn về các nguồn lực và nơi trú ẩn an toàn trong cộng đồng sẽ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra âm ỉ trong nhiều thập niên.


Sau buổi họp báo là tưởng niệm các nạn nhân trong hai vụ xả súng vừa rồi. [qd]



Comments


bottom of page