Bác Sĩ Bích Liên, đồng sáng lập và là chủ tịch Hội Ung Thư Việt Mỹ, người đã giúp đỡ rất nhiều bệnh nhân ung thư vượt qua giai đoạn khó khăn. (Hình: Tâm An/Người Việt)
WESTMINSTER, California (NV) – Gần 200 người từng trải qua căn bệnh ung thư và người thân của họ, cùng các tình nguyện viên và khách mời đã có mặt đông đủ tại nhà hàng Grand Garden, thành phố Westminster vào trưa Thứ Bảy, 1 Tháng Hai, 2020 để dự Tiệc Đón Xuân do Hội Ung Thư Việt Mỹ (VACF) tổ chức.
Sau phần khai mạc múa lân, lì xì và giới thiệu khách mời, Bác Sĩ Bích Liên, đồng sáng lập và là chủ tịch Hội VACF, chia sẻ: “Tôi nhớ lần đầu tiên tôi tham dự buổi tiệc mừng Xuân của hội VACF là năm 1998 với hơn 400 người. Tôi đã hỏi có bao nhiêu người bị bệnh ung thư, lúc đó chỉ có ba người giơ tay. Nhưng tôi biết chắc chắn rằng số người bị ung thư thật sự nhiều hơn con số đó. Tôi nhận ra rằng những bệnh nhân ung thư đều sống rất khép kín, mặc cảm, hoang mang, cô đơn và không muốn ai biết mình đang bị ung thư.”
“Theo thời gian, sau nhiều buổi cuộc gặp gỡ, chia sẻ, động viên, các bệnh nhân đã thay đổi rất nhiều. Họ trở nên tự tin và tràn đầy hy vọng sau mỗi đợt điều trị, giống như hoa cỏ đâm chồi nảy lộc vào mùa Xuân, sau một mùa Ðông hoang tàn, lạnh giá. Đó là lý do chúng tôi tổ chức tiệc mừng Xuân, để mong muốn thắp lên niềm hy vọng cho tất cả các bệnh nhân ung thư,” Bác Sĩ Bích Liên nói về lý do tổ chức tiệc mừng Xuân hàng năm.
Bà Loan Trần (trái) và bà Thùy Phạm (phải), vừa là đồng nghiệp làm cùng hãng vừa là bệnh nhân đang chiến đấu với căn bệnh ung thư, hiện đang sinh hoạt tại VACF. (Hình: Tâm An/Người Việt)
Như để tiếp thêm niềm tin cho các bệnh nhân ung thư, Bác Sĩ Bích Liên bộc bạch: “Mẹ tôi đã từng bị ung thư từ năm 38 tuổi và tới nay bà vẫn còn sống dù ở tuổi 86. Con trai tôi từng bị ung thư máu từ năm 2009, nhưng nay cháu vẫn khỏe mạnh, vẫn học hành, tốt nghiệp và đi làm. Tôi mong quý vị lúc nào cũng giữ được niềm hy vọng trong lòng, cho dù có đang ở giai đoạn cuối đi nữa, vì niềm hy vọng rất cần để giúp chúng ta sống tốt hơn, sống lâu hơn, thoải mái hơn.”
Hội VACF thành lập từ 1998 và được công nhận là tổ chức bất vụ lợi vào năm 2002. Đến nay, Hội VACF đã giúp đỡ, hỗ trợ về cả tinh thần, kiến thức và truy tầm ung thư cho hàng ngàn người đã và đang bị bệnh ung thư. Tháng Sáu, 2019 vừa qua, hội đã vinh dự được Thượng Nghị Sĩ Tom Umberg vinh danh là “Tổ chức vô vụ lợi xuất sắc của năm.”
Buổi tiệc diễn ra trong một không gian ấm cúng, thân tình như người trong một gia đình. Hầu hết người tham dự là các bệnh nhân sống sót sau cuộc chiến với ung thư và người thân của họ. Phần văn nghệ được thực hiện chu đáo bởi nhóm thiện nguyện T- Entertainment, do cô Tammy phụ trách.
Cô cho biết: “Tôi đã từng làm việc cho Hội VACF để giúp đỡ các bệnh nhân ung thư. Chúng tôi hỗ trợ họ trong nhiều vấn đề, từ việc động viên về tinh thần và cung cấp các kiến thức y khoa đến việc giúp họ điền đơn xin các hỗ trợ tài chính trong lúc họ gặp khó khăn. Chẳng hạn như tiền hỗ trợ thực phẩm, tiền thuê nhà, tiền xe lăn, gậy chống…”
Bà Quyên Trần, làm việc tại văn phòng Thượng Nghị Sĩ Tom Umberg, từng làm việc tại Hội VACF và thường xuyên là thiện nguyện viên giúp đỡ các bệnh nhân ung thư. (Hình: Tâm An/Người Việt)
“Do bị hạn chế về Tiếng Anh nên một số bệnh nhân ung thư đã không tiếp cận được với các nguồn lực công cộng cũng như các hội đoàn hỗ trợ họ. Do đó, rất cần một tổ chức như Hội VACF để làm cầu nối, đem đến cho họ niềm tin, niềm hy vọng, sự động viên, giúp cho họ cả về tinh thần và vật chất.”
Mặc dù nghề nghiệp chính là một lập trình viên thiết kế website, nhưng Tammy rất thích lĩnh vực nghệ thuật. Cô xúc động khi nghĩ về thời gian từng làm ở Hội VACF: “Tôi học được rất nhiều thứ khi làm việc ở VACF, từ kiến thức về y khoa đến văn hóa ứng xử và niềm tin yêu vào sống. Làm việc ở hội VACF, tôi cảm nhận được sâu sắc về tình người và thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều.”
Bà Quyên Trần, đại diện cộng đồng Việt Nam của văn phòng Thượng Nghị Sĩ Tom Umberg, cũng có mặt với tư cách là thiện nguyện viên. Bà cho hay: “Tôi biết về hội VACF rất lâu và tôi cũng đã từng làm việc cho hội VACF vào năm 2016. Tôi còn nhớ ngay ngày làm việc đầu tiên, tôi đã tiếp chuyện với một người mới phát hiện bị bệnh ung thư trong tâm trạng thất thần và tuyệt vọng. Sau khi lắng nghe cô ấy chia sẻ, tôi hiểu ra cô ấy mới chỉ ung thư ở giai đoạn đầu, khả năng chữa khỏi cao mà không phải cắt bỏ ngực, nên không có gì phải lo lắng. Vậy nên sau một giờ nói chuyện, cô ấy tươi vui và có niềm tin trở lại. Tôi nghĩ, dù cuộc sống có bận rộn với công việc mưu sinh thế nào đi nữa, thì việc đem lại cho bệnh nhân ung thư một tiếng cười hay một niềm lạc quan là một việc đáng làm.”
Dựa vào số liệu trong thời gian làm việc ở Hội VACF, bà Quyên Trần cho biết, đối với người Á Châu, nữ giới có tý lệ ung thư vú rất cao, còn ở nam giới là ung thư phổi và viêm gan B,C.
Hơn 250 người tham dự Tiệc Đón Xuân do Hội VACF tổ chức, trong đó hầu hết là bệnh nhân đã và đang bị ung thư. (Hình: Tâm An/Người Việt)
Bà Thu Vân Nguyễn, 60 tuổi, cư dân Buena Park, một trong những bệnh nhân đã từng bị ung thư vú cho biết: “Nhờ Hội VACF, đặc biệt là Bác Sĩ Bích Liên và chị Quyên Trần mà tôi đã vượt qua được những lúc khủng hoảng do bệnh tật và chuyện gia đình. Các chị đã ân cần giúp đỡ, động viên tôi như một người thân, giúp cho tôi vượt qua khó khăn. Hiện nay, sau 6 lần hóa trị, sức khỏe và tinh thần của tôi đã dần ổn định trở lại.”
Theo kinh nghiệm của nhiều bệnh nhân, ung thư vú thường không có triệu chứng cụ thể mà chỉ phát hiện ra khi làm các xét nghiệm tầm soát ung thư. Bà Trang Nguyễn, 50 tuổi, Garden Grove kể: “Tháng 9 năm 2019 tôi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ và làm tầm soát ung thư vú (mammogram). Kết quả là tôi có một khối u nhỏ, dạng u canxi, trong khi tôi không thấy có triệu chứng báo hiệu gì cả. Không sờ thấy, cũng không thấy đau đớn. Sau khi kiểm tra lại một lần nữa, bác sĩ chính thức thông báo tôi bị ung thư. Tôi phải đứng trước một lựa chọn là cắt bỏ toàn bộ ngực hay phẫu thuật để lấy khối u ra.”
“Tôi đã lựa chọn phẫu thuật lấy khối u ra và phải trải qua 4 lần hóa trị. Tôi đã cầu nguyện ơn trên và tìm tới Hội Ung Thư Việt Mỹ của Bác Sĩ Bích Liên. Mọi người ở hội rất tốt bụng, rất nhiệt tình và tử tế. Khi bị ung thư tôi rất buồn nhưng nhờ sự động viên của gia đình, của Hội VACF và sự cầu nguyện ơn trên, tôi đã lấy lại tinh thần và niềm tin vào cuộc sống,” bà Trang kể thêm.
Bà Loan Trần, 51 tuổi, ở Westminster, chia sẻ: “Năm năm về trước, tôi bị ung thư phổi thời kỳ đầu. Khi nghe tin bác sĩ báo bị ung thư, tôi rất bàng hoàng. Tôi không thể ngờ rằng một người thường xuyên tập thể dục và khỏe mạnh như tôi lại có thể bị ung thư ở tuổi 46. Tôi đã phải phẫu thuật cắt một phần lá phổi và trải qua các đợt hóa trị. Sau chín tháng điều trị, tôi trở lại hãng làm việc bình thường. Hai năm sau đó tôi lại bị di căn. Có một khối u trên đầu khiến cho chân trái tôi bị yếu đi. Mặc dù vậy, tôi không tuyệt vọng và luôn giữ cho mình sự lạc quan và tiếp tục điều trị. Hiện nay sức khỏe tôi cũng tạm ổn. Cứ ba tháng một lần, tôi phải tới bệnh viện để chụp MRI và làm các xét nghiệm theo dõi.”
Cùng làm việc trong hãng với bà Loan là bà Thùy Phạm ở Fountain Valley. Bà cho biết, hàng năm bà vẫn đi khám bệnh tổng quát và kết quả là khỏe mạnh, không có triệu chứng gì. Do đổi sang hãng làm việc khác, nên hai năm sau bà mới đi khám sức khỏe thì phát hiện ra bị ung thư vú đã vào giai đoạn ba.
“Khi nghe bác sĩ nói tôi bị ung thư, tôi cảm thấy như mình đang nghe môt cái án tử hình. Tôi rất bàng hoàng. Tôi nghĩ về con mình, khi ấy cháu mới 15 tuổi. Tôi tự hỏi tôi có thể làm gì trong quãng thời gian ngắn ngủi còn lại đây,” bà Thùy Phạm kể.
“Nhờ một người bạn giới thiệu nên tôi tìm tới Hội VACF trước khi tìm tới bác sĩ trị liệu. Trước kia tôi làm 2-3 công ty một lúc, tới khi bị bệnh, tôi quyết định nghỉ hẳn 18 tháng để chữa trị. Giờ đây sức khỏe tôi đã dần ổn định và đi làm trở lại,” bà kể thêm.
Trải qua những giây phút sinh tử, chiến thắng được bệnh ung thư, hầu hết các bệnh nhân đều tâm đắc rằng: “Khi biết tin bị bệnh ung thư, điều trước tiên là chúng ta phải bình tĩnh. Hãy mở lòng mình ra với người thân, bạn bè và tìm tới sự giúp đỡ của các nguồn lực cộng đồng như Hội VACF. Chúng ta hãy tin tưởng vào sự tiến bộ của y học và nghe lời khuyên của bác sĩ. Điều quan trọng nữa là phải giữ vững tinh thần, lạc quan, nghĩ về những điều tốt đẹp, thì sẽ chiến thắng được bệnh tật.”
Comments