top of page
Tìm kiếm

‘More Than Pink’ – Đi bộ để Hy Vọng

NEWPORT BEACH, California (NV) – Chủ Nhật, 22 Tháng Chín, 2019, Hội Ung Thư Việt Mỹ đã cùng với hơn 25,000 cư dân Orange County sánh bước trong cuộc đi bộ gây quỹ mang tên “More Than Pink” tại Fashion Island, Newport Beach, California do Tổ chức Susan G Komen phát động.


Tính đến sáng Thứ Hai, 23 Tháng Chín, cuộc đi bộ để hỗ trợ cho công cuộc chống ung thư, đặc biệt là ung thư vú, đã đạt được số tiền là $647,297.75 trong mục đích $1.2 triệu mà Komen Orange County dự trù.


Từ 6 giờ sáng, một chuyến xe bus chở nhóm thành viên, thiện nguyện viên của Hội Ung Thư Việt Mỹ đã đổ bộ xuống khuôn viên Fashion Island để chuẩn bị cho cuộc đi bộ. Khắp nơi tràn ngập mọi sắc độ của màu hồng trên trang phục những người đi bộ và trên các tấm bảng khổng lồ treo trong khuôn viên Fashion Island. Quang cảnh vui tươi náo nhiệt và đầy hứng thú, hệt như một lễ hội lớn.


Cô Hương Đỗ, 23 tuổi, cư dân Garden Grove, là nhân viên của Hội Ung Thư Việt Mỹ cho biết hôm nay là lần thứ hai cô tham dự cuộc đi bộ tại sự kiện này, lần trước là năm 2018, cũng vào Tháng Chín. Trước đây cô vốn học ngành Khoa Học Sức Khoẻ Cộng đồng (Public Health Science) của USI, là thực tập sinh, rồi là thiện nguyện viên tại hội. Do cảm thấy thích hợp với công việc này nên sau khi tốt nghiệp cô đã trở thành nhân viên của hội.

Bà Becky Nguyễn (thứ 2 từ trái qua) tại khu lều dành cho Hội Ung Thư Việt Mỹ. (Hình: Uyên Vũ/Người Việt)


Với vẻ phấn chấn, cô Hương cho biết cô rất thích khi tham dự sự kiện này, vì không có nhiều dịp để những người sống sót sau bệnh ung thư vú được họp mặt với nhau, được chia sẻ và dành thời gian cho nhau như thế này. Cha cô cũng đã qua đời do bệnh ung thư. Vì thế mong muốn của cô là giúp cộng đồng người Việt nâng cao nhận thức về bệnh ung thư, đồng thời truyền tải những thông tin đúng về căn bệnh này cho đồng hương.


Bà Becky Nguyễn, giám đốc điều hành Hội Ung Thư Việt Mỹ (VACF) cho biết, bà làm việc với hội được 8 năm, năm nào bà cũng cùng với hội tham dự đi bộ gây quỹ để hỗ trợ cho tổ chức Susan Komen. Do gia đình cũng có người bị ảnh hưởng bởi bệnh ung thư nên từ khi mới bắt đầu tìm hiểu căn bệnh “kinh khủng” này ra sao, đến nay bà đã dành trọn thời giờ cho công việc hỗ trợ cho những người đã và đang chiến đấu với bệnh ung thư.

Nhóm bạn gốc Việt của cô Mai Nguyễn (thứ 3 từ trái, hàng ngồi). (Hình: Uyên Vũ/Người Việt)


Theo bà Becky, ung thư không chỉ ảnh hưởng cá nhân người bệnh mà còn ảnh hưởng đến cả gia đình và cộng đồng. Đây là căn bệnh gây tử vong hàng đầu trong cộng đồng người Việt. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm thì có rất nhiều cơ hội để người bệnh vượt qua được căn bệnh và sống còn.


Cũng theo VACF thì, “Trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, cứ một trong ba trường hợp tử vong là do bệnh ung thư gây ra. Theo Hiệp Hội Ung Thư Hoa Kỳ, hơn một nửa các trường hợp ung thư ở Hoa Kỳ đều có thể phòng ngừa được.”


So sánh về bệnh ung thư vú giữa người Việt với các sắc dân khác, bà Becky nhận xét “Ung thư vú rất thường gặp ở phụ nữ Việt. Điểm đáng lo là phụ nữ Việt có nguy cơ bị ung thư vú ở độ tuổi trẻ hơn so với phụ nữ Mỹ trắng. Và khi phụ nữ Việt bị ung thư vú ở độ tuổi sớm như vậy ung thư vú thường ít được phát hiện sớm nên trầm trọng hơn và nguy cơ bị chết vì ung thư cũng tăng cao. Cho nên lời khuyên là phải chú ý theo dõi sức khỏe vú và đi truy tầm ung thư vú.”

Những “người sống sót” hân hoan khi được vinh danh. (Hình: Uyên Vũ/Người Việt)


Bà Becky còn cho rằng Tổ Chức Susan G. Komen hoạt động rất hữu hiệu trong công cuộc nghiên cứu, giáo dục, sàng lọc và hỗ trợ chi phí điều trị cho bệnh nhân ung thư vú cũng như hỗ trợ các hội đoàn tương tự như VACF. Mỗi năm số tiền gây quỹ được đều phân bổ hợp lý cho việc chống ung thư vú.


Có mặt cùng nhóm VACF, bà Hoàng Yến Trần chia sẻ: “Tôi là thiện nguyện viên của VACF hai năm rồi, cũng tham dự đi bộ hai lần. Tôi là một người từng mắc bệnh ung thư vú, tôi đã vượt qua và chữa lành bệnh. Do muốn giúp cộng đồng và những phụ nữ mới phát giác hoặc đang bệnh, nên tôi cố gắng trợ giúp tinh thần cho họ và nhiều trường hợp hiệu quả, tôi hãnh diện vì việc mình làm. Do tôi chính là ‘kẻ sống sót’, là nhân chứng sống nên dễ dàng thuyết phục người bệnh để họ dễ dàng chia sẻ nỗi niềm riêng. Cũng do điều trị sớm nên tôi vượt qua căn bệnh rất mau, sau hơn 2 tuần xạ trị và cũng không bị biến chứng gì khác. May mắn nữa là do tinh thần tôi rất ổn định bình yên ‘sống chết có số’. Sau khi khỏi bệnh tôi mới cộng tác với VACF và thấy đời mình đầy ý nghĩa.”

Bà Hoàng Yến Trần, “người sống sót,” rạng rỡ với khẩu hiệu in trên má. (Hình: Uyên Vũ/Người Việt)


Nhóm VASF còn có chú Thuận Nguyễn, 78 tuổi, đi cùng với vợ là bà Nancy Nguyễn, 70 tuổi, cư dân Midway City, đã là tình nguyện viên cho VACF 12 năm và nhiều lần tham dự cuộc đi bộ cũng như các sinh hoạt của hội, tuy gia đình không có ai mắc bệnh này.


Mặc áo T-shirt hồng, đeo kiếng mát hồng, đội vòng râu bướm hồng, cô Mai Nguyễn, cư dân Hungtington Beach, đi cùng nhóm bạn, nói đây là lần đầu cô tham dự, vì muốn hỗ trợ tinh thần cho một người bạn trong nhóm mới phát giác bệnh ung thư. Cô mong muốn chia sẻ với bạn và cuộc đi bộ này cũng giúp cho bạn cô không cảm thấy lẻ loi vì căn bệnh. Cũng theo cô thì người bạn đó hôm nay rất vui và tràn đầy hy vọng.


Trong phần khai mạc, Ban Tổ Chức chào mừng tham dự viên và vinh danh 600 “người sống sót” ngồi tràn trên các bậc thềm khán đài, trên tay mỗi người là một bông hồng và một giải khăn để chứng tỏ rằng họ đã vượt qua căn bệnh.


Đoàn người rồng rắn đi trong nắng mai. (Hình: Uyên Vũ/Người Việt)


Bà Sandy Spivey, một người có 4 con và 2 cháu, thay mặt những “người sống sót” kể về kinh nghiệm hai lần vượt qua ung thư. Bà Sandy mắc bệnh năm 2011 rồi được tổ chức Susan Komen hỗ trợ mọi mặt để chiến đấu với bệnh. Một nách hai con, bà tiếp tục học và điều trị bệnh, sau đó bà tốt nghiệp đại học trong vòng 5 năm và hiện tại bà trở thành một nhân viên xã hội, cùng tham gia điều hành hai văn phòng hỗ trợ bệnh nhân.


Với khoảng 3 dặm đường quanh khu vực Fashion Island, mọi người thuộc đủ các sắc dân đã đồng hành trọn con đường trong niềm hứng khởi, vui vẻ. Nhóm VACF với những chiếc nón lá đậm bản sắc Việt, nhóm Đài Loan mang theo cả biểu ngữ, nhóm khác thì đeo cánh thiên thần hoặc vầng hào quang trên đầu, nhiều người lưng áo viết các thông điệp đầy yêu thương dành cho bệnh nhân ung thư. Họ vừa đi vừa ca hát, đùa giỡn trong ánh nắng vàng rực của buổi mai mùa Thu vùng biển California. (Uyên Vũ)


Theo Susan G Komen:


Có 1 trong 8 phụ nữ tại Hoa Kỳ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú suốt đời. Cứ mỗi 19 giây ở một nơi nào đó trên thế giới, lại có thêm một trường hợp ung thư vú phụ nữ. Cứ mỗi 60 giây, một người trên thế giới chết vì bị ung thứ vú; cứ mỗi 13 phút, lại có một phụ nữ ở Mỹ qua đời vì ung thư vú. Năm 1980, tỷ lệ phát hiện phụ nữ mang mầm mống ung thư vú giai đoạn 1 là 74%. Đến hôm nay con số này đã nhảy vọt lên mức 99%. Riêng tại Orange County mỗi ngày có 5 phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thu vú và 1 người sẽ chết vì bệnh này.


Susan G Komen thành lập năm 1980, hoạt động tại hơn 60 quốc gia ở 120 địa phương với 1.7 triệu thân hữu cùng 100 ngàn “người sống sót’ liên kết thành một mạng lưới mạnh mẽ hàng đầu thế giới.


bottom of page