Nơi xa là bao xa? Nửa vòng trái đất giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có phải là xa? Hay một nơi thật xa mà chỉ trong giấc mơ mình mới có thể gặp nhau hở Mẹ? Tháng 5 luôn là thời gian khó khăn đối với con. Nó có Ngày của Mẹ, và cũng là tháng Sinh nhật của Mẹ. Năm nay cũng tròn 10 năm con mừng ngày của Mẹ nhưng vắng bóng dáng người. 10 năm trôi qua, bầu trời vẫn xanh, cuộc sống vẫn tiếp diễn. Con gái của Mẹ giờ đã ngoài 30 tuổi. Nhưng đứa trẻ trong con vẫn luôn cần có Mẹ bên cạnh. Con ước chi những cột mốc quan trọng trong đời, Mẹ vẫn sẽ ở đó chia sẻ cùng con. Và con ước con có thể gọi cho Mẹ trên thiên đàng, kể Mẹ nghe những chuyện buồn vui trên đường đời tuổi trẻ, và để kể Mẹ nghe rằng con đang tham gia hỗ trợ bệnh nhân ung thư và giúp đỡ cộng đồng tại Hội Ung Thư Việt Mỹ. Thật tuyệt khi mình tìm được sự chia sẻ, cảm thông của cộng đồng và đóng góp một phần nhỏ để cùng mọi người đánh bại ung thư phải không Mẹ? Những chương trình, dự án và dịch vụ của Hội thật hay và đầy lòng nhân ái Mẹ ạ. Hội hỗ trợ bệnh nhân ung thư và gia đình về mọi mặt, kể cả mặt tâm lý tinh thần, điều mà trước đây Mẹ và gia đình mình chỉ dựa vào nhau mà chẳng thể thổ lộ hết cùng ai. Cũng đôi lần con không giấu được nước mắt khi nói chuyện với mọi người về ung thư, và về Mẹ. Nhưng con yêu thích công việc con đang làm. Con thấy bóng dáng Mẹ ở các cô bệnh nhân và thiện nguyện viên ở Hội. Bởi vì Mẹ cũng là một bệnh nhân ung thư, là một người phụ nữ Việt giàu lòng yêu thương.
“Tại sao lại là ung thư, và tại sao lại là Mẹ?” Con không nhớ biết bao nhiêu lần con đã tự hỏi chính mình những câu hỏi đó. Nhưng rồi con và cả nhà cũng phải đối diện với thực tế. Mẹ đâu còn nhiều thời gian. Gia đình mình chỉ có thể hoặc là cố gắng mạnh mẽ để cùng Mẹ chiến đấu với căn bệnh nguy hiểm ấy, hoặc là bỏ cuộc. Và bỏ cuộc không bao giờ là lựa chọn. Thời điểm ấy, con vẫn luôn tràn đầy hy vọng, rằng Mẹ sẽ được chữa khỏi. Nhưng con cũng biết rõ, cuộc chiến ấy chẳng hề dễ dàng. Nỗi sợ mất Mẹ vẫn luôn ở đó. Lần đầu tiên trong đời con hiểu câu nói, “bạn sẽ không thể biết mình mạnh mẽ đến dường nào cho đến khi mạnh mẽ là lựa chọn duy nhất mà bạn có”. Thật ra, nói thì lúc nào cũng dễ. Đã không ít lần, con cũng thấy mình bế tắc. Con không dám khóc. Con không dám cho Mẹ thấy sự suy sụp, bất an và mềm yếu của con lúc đó. Con cần cứng cỏi và lạc quan vì Mẹ, và để có thể chăm sóc cho Mẹ tốt hơn. Cuộc chiến với ung thư không phải là của riêng một mình Mẹ, nó là của con, của gia đình mình. Và gia đình mình cũng chính là nguồn hy vọng duy nhất để Mẹ nương tựa chống chọi với bệnh tật.
Nét đẹp quyến rũ và dịu dàng của một người phụ nữ của Mẹ dần mất đi sau những cuộc phẫu thuật, hóa trị, xạ trị kéo dài. Mẹ phải cắt bỏ ngực và tóc rụng vì hóa trị. Con không thể hình dung được nỗi đau Mẹ phải trải qua. Mẹ hao gầy và yếu đi rất nhiều. Giá như con có thể gánh chịu thay cho Mẹ. Những kỷ niệm đó thật khó nói ra thành lời mỗi khi nhớ lại. Thời gian đưa Mẹ đi điều trị, những buổi ngủ lại ở bệnh viện cùng Mẹ, sẽ sống trong con mãi về sau. Con luôn trân quý thời gian đầy thử thách đó.
Ung thư thật sự đã thay đổi cuộc đời con. Nó cướp đi của con người Mẹ tuyệt vời nhất. Nhưng nó cũng dạy con phải biết sống tốt, ý nghĩa hơn, sống cho hiện tại, sống cho phần của Mẹ và đối xử tử tế hơn với cuộc đời này. Mỗi ngày được sống cùng Mẹ, dù là ngắn ngủi, nó vẫn rất đáng giá.
Mẹ giờ tuy đã ở rất xa. Nhưng Mẹ mãi trong tim con. Con xin chúc mừng Sinh nhật Mẹ. Cảm ơn Mẹ vì là Mẹ của con. Hãy luôn vui cười và an yên trên thiên đường Mẹ nhé, cho đến ngày mình gặp lại.
Xin kính chúc mọi người Mẹ trên cõi đời này, đặc biệt là những người Mẹ đang kiên cường sống với ung thư, một Ngày của Mẹ, cũng như mọi ngày, luôn ngập tràn yêu thương và niềm vui của cuộc sống quý giá này. Con không dám chúc các chị, các cô, các bà hãy mạnh mẽ để đánh bại ung thư. Nhưng con mong mọi người luôn biết rằng, mọi người sẽ không lẻ loi trong hành trình này. Dù là cần một ai đó có thể lắng nghe những nỗi niềm của mình, hay là những thắc mắc xung quanh việc điều trị bệnh ung thư, gia đình, bạn bè và cộng đồng vẫn luôn sát cánh cùng bệnh nhân ung thư. Ung thư có thể khắc nghiệt. Nhưng với sự quan tâm, đồng lòng hỗ trợ nhau của cộng đồng, chúng ta chắc chắn sẽ cứng cỏi và mạnh mẽ hơn nó.
Theo thông tin từ trang web của Hiệp Hội Ung Thư Vú Quốc Gia (National Breast Cancer Foundation), trung bình cứ 2 phút thì có một phụ nữ được chẩn đoán bị ung thư vú tại Hoa Kỳ. Ung thư vú cũng là loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ người Việt nhưng lại có rất ít thông tin về những gì người mắc bệnh đã từng trải qua. Hiện tại, Hội Ung Thư Việt Mỹ (VACF) đang có chương trình nghiên cứu về hướng dẫn bệnh ung thư dành cho người Mỹ gốc Việt (CANVAS - Cancer Navigation For Vietnamese Americans) để tìm hiểu thêm về những nhu cầu của bệnh nhân ung thư vú người Việt. Những phụ nữ người Việt vừa được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú trong vòng một năm có thể tham gia vào nghiên cứu CANVAS này. Để biết thêm chi tiết về các dịch vụ miễn phí hoặc những nhu cầu hỗ trợ khác, xin nhắn tin trên Facebook (VACF-Hội Ung Thư Việt Mỹ); email (info@vacf.org) hoặc gọi cho Hội VACF tại số 714-751-5805.
Comments